Tình hình là Quỳnh Chi sốt đã 2 ngày. Nhiệt độ có lúc lên đến 39,7 độ. Đã đi bệnh viện Nhi Đồng 2 ở Lý Tự Trọng. Ngày mai chắc sẽ bớt thôi.
Bố mẹ đều chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ bị sốt. Ghi lại đây những điều cần lưu ý từ bệnh viện:
Phát hiện trẻ bị sốt như thế nào?
Bình thường nhiệt độ cơ thể trẻ em là 37oC và có thể thay đổi một chút trong ngày. Về mùa nóng nhiệt độ có thể lên tới 37,5oC. Nếu nhiệt độ cơ thể trên 37,5oC là trẻ bị sốt, khi nhiệt độ trên 39oC gọi là sốt cao. Ngược lại nếu nhiệt độ ở dưới 36oC gọi là hạ thân nhiệt.
Muốn biết trẻ có bị sốt hay không, có thể sờ tay lên người, lên trán trẻ; chính xác nhất là lấy nhiệt kế thuỷ ngân, nhiệt kế điện tử hoặc nhiệt kế dưới dạng băng dán trên da. Trước khi lấy nhiệt độ bằng nhiệt kế thuỷ ngân, bạn đừng quên vẩy tay cho cột thuỷ ngân tụt hết rồi mới cặp độ cho trẻ.
Vị trí lấy nhiệt độ bằng nhiệt kế thuỷ ngân:
Có thể đặt nhiệt kế ở nách, ở miệng hoặc ở hậu môn của trẻ. Lấy nhiệt độ ở hậu môn là nhanh nhất và chính xác nhất (có thể đọc kết quả sau 30 giây), còn nếu lấy nhiệt độ ở nách thì phải chờ khoảng 5 phút sau mới đọc kết quả và cộng thêm 0,5oC. Việc lấy nhiệt độ ở miệng chỉ nên áp dụng cho trẻ nhỏ, còn với trẻ lớn đã có răng thì không nên (vì trẻ có thể cắn làm vỡ nhiệt kế thuỷ ngân, gây nguy hiểm cho trẻ).
Xử lý khi trẻ bị sốt
Khi trẻ bị sốt, nên để trẻ nằm nơi thoáng khí, yên tĩnh, ánh sáng dịu, tránh mọi kích thích. Cho trẻ mặc thoáng mát, không nên mặc nhiều quần áo hoặc ủ nóng, thường xuyên lau mồ hôi cho trẻ.
Lau mát hạ sốt cho bé khi:
- Bé bị sốt cao trên 40oC.
- Bé bị sốt cao kèm co giật hoặc có dấu hiệu sắp sửa co giật.
Chuẩn bị dụng cụ:
- 5 khăn nhỏ để lau mát.
- Thau nước ấm.
- Nhiệt kế.
Thực hiện:
- Đặt bé nằm ngửa trên giường.
- Cởi bỏ quần áo trẻ.
- Lấy nhiệt độ bé.
- Rửa tay.
- Chuẩn bị nước lau mát:
Cho ít nước lạnh vào trong thau.
+ Cho nước nóng vào, bằng ½ lượng nước lạnh.
+ Kiểm tra nhiệt độ nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước, cảm giác ấm giống như nước tắm em bé.
- Lau mát
+ Nhúng 5 khăn vào thau nước và vắt hơi ráo.
+ Đặt 2 khăn ở hõm nách, 2 khăn ở bẹn và 1 khăn lau khắp người.
+ Không đắp lên trán vì ít có tác dụng hạ sốt. Không đắp lên ngực vì tăng nguy cơ viêm phổi.
+ Thay khăn mỗi 2-3 phút.
+ Theo dõi nhiệt độ nước, cho thêm nước nóng nếu thấy nước không còn ấm.
+ Lấy nhiệt độ bé mỗi 15 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5oC.
+ Lau khô và mặc quần áo mỏng cho trẻ.
Dùng thuốc hạ nhiệt:
Thường dùng nhất là Paracétamol (các thuốc như Dafalgan, Efferangan đều là biệt dược của Paracétamol).
Cho trẻ uống với liều lượng 10 - 15mg/kg cơ thể/1 lần, cứ sau 6 giờ có thể cho uống nhắc lại. Nếu trẻ còn sốt cao trên 38,5oC thì có thể dùng viên đặt hậu môn liều lượng giống như trên. Cách này rất tiện lợi, nhất là đối với những trẻ khó cho uống thuốc. Có thể thay Paracétamol bằng Aspirin hoặc Analgin với liều lượng 0,05g - 0,1g/kg cơ thể/ 24 giờ, uống chia làm 4 lần, cách nhau 6 giờ. Tất nhiên các bạn cũng lưu ý, khi cho trẻ uống bất kỳ một loại thuốc nào thì cũng phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự mua về dùng vì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.